Dù cho phong cách thiết kế nội thất của bạn là gì, tại sao không thử pha trộn thêm 1 phong cách khác để không gian thêm sáng tạo và độc đáo? Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều!
Căn phòng chỉ mang một phong cách thiết kế đặc trưng có thể khiến nhiều người thấy nhàm chán. Không ít người cho rằng, 2 phong cách thiết kế nội thất được phối hợp hài hoà với nhau sẽ tạo cho không gian những điểm nhấn thú vị hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để tạo ra được một căn phòng có sự kết hợp, đan xen của nhiều phong cách cùng một lúc rất cần một bàn tay khéo léo để tạo ra sự thanh lịch, sáng tạo thay vì lộn xộn và rối tung.
Pha trộn phong cách thiết kế nội thất chắc chắn không phải việc làm dễ dàng nếu như bạn không phải “dân nhà nghề”. Tuy nhiên, bất kể gu thẩm mỹ của bạn là gì, những lời khuyên dưới đây sẽ giúp ích cho bạn.
Đặt chức năng lên hàng đầu
Để một căn phòng hoàn chỉnh có sự pha trộn của các phong cách thiết kế đòi hỏi kiến trúc sư phải đưa vào nhiều chi tiết có tính liên kết hài hòa, mang tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, điều đó cũng dễ dẫn đến việc tham lam, ôm đồm quá nhiều chi tiết và có thể sẽ khiến cho không gian trở nên chật chội, bố cục không rõ ràng.
Vì vậy, mẹo đầu tiên là chúng ta nên đặt chức năng sử dụng của mỗi đồ nội thất lên hàng đầu. Hiểu một cách đơn giản nghĩa là bạn nên đặt trọng tâm vào chức năng của nội thất trong phòng. Thay vì không biết chọn lựa tranh treo tường nghệ thuật hay sử dụng các đồ nội thất mang tính thẩm mỹ cao,… thì bạn hãy cân nhắc kỹ càng hơn về những nội thất có chức năng, hữu ích và tiện lợi cho sinh hoạt, phục vụ đời sống hằng ngày của bạn. Căn phòng lý tưởng cũng từ đó mà hiện rõ chỉ trong nháy mắt.
Thực hiện theo quy tắc 80/20
Khi pha trộn 2 hay nhiều phong cách thiết kế cùng chung trong một căn phòng, bạn cần phải đặc biệt lưu ý cũng như đảm bảo những thiết kế đó phải có sự liên kết hài hòa, bổ trợ lẫn nhau. Để làm được điều này, bạn cần phải gán cho những đồ vật, nội thất một vai trò nhất định, để khi ghép chúng vào với nhau một sẽ cho ra một tổng thể hợp nhất, không thiếu cũng không thừa.
Tốt nhất là bạn nên chọn theo nguyên tắc 80/20, nghĩa là bạn sẽ dành 80% thiết kế của phòng cho một phong cách. Đây sẽ là phong cách trọng tâm trong căn phòng của bạn và nó sẽ có ảnh hưởng đến việc bạn chọn lựa màu sắc, nội thất, ánh sáng, sàn… phù hợp với phong cách mà bạn đã định hình sẵn trong đầu.
Phong cách thứ hai chiếm 20% còn lại trong tổng thể thiết kế của bạn, nó sẽ đảm nhận vai trò điểm nhấn. Những món đồ nổi bật như nội thất, đồ đạc ánh sáng táo bạo và tranh treo tường bắt mắt,… là những lựa chọn tuyệt vời để hoàn thành vai trò này.
Liên kết bằng 1 chủ đề chung
Khi thể hiện 2 phong cách thiết kế cho cùng 1 căn phòng, bạn cần tìm ra được chủ đề chung để liên kết 2 phong cách với nhau. Điều này đòi hỏi phải có sự sắp xếp khéo léo bởi bạn đang cố trộn lẫn, kết hợp hai yếu tố thẩm mỹ riêng biệt. Mẹo nhỏ ở đây chính là hãy chú ý đến “điểm chung” giữa hai loại hình khác biệt đó.
Ví dụ như: Sự pha trộn giữa phong cách thiết kế Nhật Bản và Scandinavia (Bắc Âu). Mặc dù 2 phong cách này có vẻ trái ngược nhau, thế nhưng cả hai đều được biết đến với những đường nét cùng nội thất đơn giản. Từ điểm chung này, hãy cố gắng tìm cho mình một chủ đề tương tự để kết nối hai phong cách.
Ngoài ra, bất kể bạn đang kết hợp 2 phong cách thiết kế nào, màu sắc chính là yếu tố an toàn và hiệu quả để tạo ra mối liên kết giữa 2 phong cách. Lựa chọn những đồ nội thất của 2 phong cách với chung 1 sắc thái màu sẽ tạo ra được sự cân bằng tuyệt vời.
Làm nổi bật chi tiết thiết kế khác biệt
Khi một món đồ nội thất không phù hợp với tổng thể căn phòng, nhiều người thường sẽ “giấu nhẹm” món đồ đó đi, cho rằng nó sẽ phá vỡ sự đồng bộ của không gian. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên bạn nên thực hiện theo cách tiếp cận ngược lại.
Điều đó có nghĩa là, bạn hãy để món đồ nội thất này làm “nhân vật chính” tạo điểm nhấn đặc biệt trong căn phòng. Hãy sắp xếp căn phòng sao cho đôi mắt được hút vào vật phẩm tiêu điểm đó. Vì vậy, nếu có một tác phẩm nghệ thuật độc đáo hoặc chiếc gương thiết kế tinh xảo, hãy đặt nó ở vị trí nổi bật nhất.
Biên dịch | H.N (Nguồn: Freshome)